Cậu bé mi ni ham học…
Căn nhà nằm cuối ngõ tại xóm Gò Danh, thôn 14, xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) có mẹ và vợ chồng chị gái Long sinh sống. Mấy năm nay, bà Đào Thị Toàn bị tai biến, cô con gái cả tất bật chăm sóc mẹ. Nhắc đến người em trai của mình, chị Trang ánh lên niềm tự hào về cậu em trai bé nhỏ.
Anh Nguyễn Đức Long hạnh phúc bên gia đình nhỏ.
Long sinh ra sức khỏe bình thường thế nhưng lên 4 tuổi chân tay Long yếu dần, không phát triển như bao đứa trẻ khác. Cậu bé gầy gò, chân tay mềm oặt, đi lại, sinh hoạt đều rất khó khăn.
Bố mẹ đưa Long chạy chữa khắp nơi, đang học lớp 5, bố quyết định cho em tạm nghỉ học để điều trị. Nói về hành trình chữa trị đó, nhiều người bảo rằng, đó là hành trình mà chỉ có trái tim người mẹ người cha mới có thể làm được. Bởi triền miên những ngày tháng dài đằng đẵng người cha ôm con đi khắp nơi để chạy chữa; triền miên tháng ngày đau cùng con, khóc cùng con trong những lần điều trị; triền miên là những đêm dài mất ngủ, thức trắng khi sức khỏe con đi xuống.
Hai năm trời ròng rã, cậu bé ngoan ngoãn chăm chỉ chịu đựng những cơn đau, những mệt nhọc tập luyện theo phác đồ của bác sỹ. Một lần có chuyên gia người Đức đến Bệnh viện Phục hồi chức năng Hương Sen (TP Tuyên Quang) chẩn đoán, xác định Long bị teo cơ do ảnh hưởng thần kinh não (có thể bị ảnh hưởng từ trận sốt cao từ nhỏ). Bệnh này chỉ tập luyện để thuyên giảm, giúp linh hoạt chân tay hơn chứ khó có thể phục hồi được. Chính vì thế càng lớn chân tay Long càng yếu ớt, không phát triển nên đi lại, sinh hoạt rất khó khăn, chiều cao phát triển mức nào đó thôi.
Nhìn bố vất vả ngược xuôi vì mình lòng em quặn thắt. Thấu hiểu được nỗi lòng bố, cậu con trai hiền lành, lầm lũi, cố gắng từng ngày tập luyện để làm bố mẹ vui và tự hào về mình. Long bảo, đã có những thời khắc, em muốn bỏ cuộc. Nhưng em lại nghĩ đến bố mẹ, nghĩ đến ánh mắt hạnh phúc của bố mẹ khi thấy con trai có những bước tiến triển khiến em càng cố gắng hơn.
Không được đến trường, cậu bé nhớ bạn bè, nhớ thầy cô, nhớ trang sách thật nhiều. Vậy là, đêm nào cũng vậy, cậu tự mang sách ra ôn bài, tự làm bài tập tự ôn lại mọi kiến thức để nguôi đi nỗi nhớ.
Sau 2 năm trời chạy chữa, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên bố mẹ Long quyết định cho con về nhà tiếp tục tự tập luyện và ngày ngày đưa đón con đến trường học để mở rộng chân trời trí thức cho cậu con trai ham học, hiểu chuyện.
Trở lại lớp học, Long khiến bạn bè, thầy cô ngạc nhiên bởi cậu học trò trong hình hài bé nhỏ ấy lại có sức học “khủng” khiến bao người nể phục. Suốt quá trình học Long luôn là học sinh khá, giỏi của lớp, môn học yêu thích của em là môn Toán. Ngày ngày em say sưa giải những bài toán khó, nhiệt tình giúp đỡ những bạn học kém hơn mình. Long thân thiện, dễ mến, vui vẻ, lạc quan. Dù đôi tay, đôi chân teo tóp lại, bé nhỏ, yếu ớt việc học, việc đi lại thực sự rất khó khăn chưa bao giờ thấy em kêu ca hay phàn nàn điều gì.
Long bảo: “Lúc đó em chỉ nghĩ phải học thật chăm, thật giỏi để bố mẹ vui lòng. Bố mẹ quá vất vả, em phải cố gắng để bố mẹ được tự hào về mình”.
Niềm tự hào của mẹ
Long lên lớp 11, một biến cố cuộc đời đến gia đình, khi ông May - bố Long không may ngã bệnh, đột ngột qua đời. Mẹ Long - người đàn bà hết lòng vì chồng con, trong hình hài nhỏ bé, gầy gò, ốm yếu lại cố gắng gượng dậy chăm sóc chị em Long, nuôi hai con khôn lớn, trưởng thành.
Nguyễn Đức Long nhận bằng Thạc sỹ.
Mất bố, cả gia đình như rơi vào hố sâu tuyệt vọng. Từ nhỏ, nhờ có bố đồng hành, Long từng bước, bước ra khỏi mặc cảm tự ti với cơ thể, sức khỏe của mình thế mà nay mọi điều vẫn còn dang dở, bố đã ra đi… Nhìn mẹ, nhìn chị, chàng trai vị thành niên, trong hình hài đứa trẻ ấy tự thấy mình phải cố gắng, phải là điểm tựa của gia đình nhỏ bé này. Long chăm chỉ học tập, trở thành một người anh cả của lớp với thành tích nổi trội trong suốt 12 năm học, thường xuyên tham gia đội tuyển bồi dưỡng học sinh giỏi. Long từng vinh dự được UBND tỉnh khen thưởng vì đã có thành tích học tập xuất sắc năm học 2009 - 2010.
Quả ngọt đã đến, “cậu chiến binh nhỏ” Nguyễn Đức Long thi đỗ vào Khoa Công nghệ thông tin, trường Đại học Điện lực Hà Nội. Long bảo: “để có được kết quả đó, em không quên những người đã giúp đỡ mình trong suốt chặng đường ấy. Có mẹ, có chị gái và hơn nữa em thật may mắn khi đã gặp được nhiều thầy cô, bè bạn tốt. Ngày nắng cũng như ngày mưa, các bạn sớm hôm tận tình đưa đón em đến trường; thầy cô giáo luôn bên cạnh quan tâm, động viên, yêu thương em như con. Ân tình mà các thầy cô giáo, các bạn chính là những may mắn mà em nhận được trong cuộc đời này”.
Học Đại học, Long được ở ký túc xá. Mẹ và chị gái Long đều lo lắng vì em thường xuyên bị đau nhức, đi lại khó khăn, những ngày đầu phải tự mình chậm chạp bước đến trường. Thế nhưng bằng sự lạc quan, nỗ lực, cần cù, chăm chỉ, Đức Long đã vượt qua tất cả trở thành chàng sinh viên giỏi giang của Khoa Công nghệ thông tin ngày đó.
Chính ý chí, nghị lực của Long khiến nhiều giảng viên trong trường cảm mến, yêu quý. Nhiều thầy cô động viên, ủng hộ Long giúp em nhận nhiều dự án, công việc về thiết kế web, công nghệ thông tin để trang trải chi phí học tập, sinh hoạt.
Tốt nghiệp đại học, Long tiếp tục học và nhận Bằng Thạc sỹ Công nghệ thông tin trong sự mến mộ, nể phục của thầy cô, bạn bè. Long chia sẻ: “Ngày đó, tiền học phí, sinh hoạt, một mình em tự lực đi làm thêm, nhận nhiều dự án để trang trải cuộc sống. Giữa phố xá nhộn nhịp trên đường phố Hà Nội, một mình em, trên chiếc xe ba bánh, em tự tin đi làm, đi học, tự tin kiếm tiền bằng trí óc, sức lao động của mình”.
“Quả ngọt" đã đến, Long thi đỗ vào Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ. Ngày nhận được Quyết định trúng tuyển một vị trí công việc bao nhiêu người mơ ước, cả nhà ôm chầm nhau, cùng khóc trong niềm hạnh phúc vô bờ bến. Khóc vì bao nỗ lực, bao khó khăn, chông gai của cả gia đình đã được đền đáp. Khóc vì chàng trai bé nhỏ của mẹ của chị đã thực hiện thành công giấc mơ lớn của cuộc đời mình.
Long chia sẻ: “Em làm nghiên cứu viên công nghệ thông tin, Phòng Các hệ chuyên gia và tính toán phần mềm Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ được 6 năm. Vợ chồng em có nhà riêng ở Hà Nội, có một cô con gái nhỏ bé xinh xắn. Hằng tháng, tranh thủ lúc rảnh rỗi, cả nhà em lại về thăm mẹ và chị ở quê. Đó là nguồn động lực, tình yêu lớn để em có được như ngày hôm nay”.
Bên cạnh làm việc tại Viện, Long thường xuyên nhận làm thêm các phần mềm, website cho các đơn vị trong nước. Long bảo: “Với tâm niệm được đóng góp cho quê hương, nếu có cơ hội em sẵn sàng sẻ chia, đóng góp cho các cơ quan, doanh nghiệp Tuyên Quang để thực hiện các công việc liên quan đến internet, phần mềm…”.
Biết đến hành trình của Long, nhiều người ví đó là hành trình “thoát kén” của chàng trai mini 1mét 40. Trong quá trình chuyện trò với em, người đối diện luôn cảm nhận một năng lượng tích cực tỏa ra. Đó là sự lễ phép, khiêm nhường, lạc quan của chàng trai từng trải. Long trải lòng: “Những gì em đã làm được đến hôm nay vẫn đang nhỏ bé, nhưng em sẽ luôn cố gắng để mình của hôm nay tốt hơn mình của hôm qua. Bản thân em muốn lan tỏa tinh thần không bỏ cuộc, nỗ lực hết mình đến tất cả các bạn trẻ. Chúng ta đừng bao giờ nghĩ mình không làm được khi chúng ta chưa thử sức, chưa cố gắng. Cuộc đời chỉ có một lần sống và mình phải sống hết mình để vươn đến chân trời ước mơ”.
Gửi phản hồi
In bài viết